Giới thiệu sách trực tuyến với chủ đề" hành trình theo dấu chân Bác"

Thứ sáu - 30/07/2021 17:55
 Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của cách mạng Việt Nam, người anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa xuất sắc của nhân loại. Bên cạnh sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một sự nghiệp văn học vĩ đại đóng góp cho nền văn học nước nhà.Để tìm con đường giải phóng cho dân tộc, Người đã bôn ba nước ngoài nhiều năm chịu bao cảnh đày đọa nhưng vẫn bước tiếp. Tập thơ "Nhật ký trong tù" đã khắc họa lại một thời kỳ vô cùng khó khăn trong cuộc đời Bác khi bị  tù đày ở nhà tù Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc.Với mong muốn mọi người có thể hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, với cống hiến vĩ đại của Người cho đất nước, cho dân tộc. Thông qua cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách với chủ đề : Hành trình theo dấu chân Bác, đội tuyên truyền sách hè trường THCS Bích Hòa xin được giới thiệu cuốn sách :Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh 
 GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH
Nhật Ký trong tù của Hồ Chí Minh

 Sau ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, cuối tháng 1- 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước hoạt động, tiến hành Hội nghị Trung ương lần thứ 8 và thành lập Mặt trận Việt minh, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa phong trào cách mạng nước ta tiến vào một thời kỳ mới. Tháng 8 năm 1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh lên đường trở lại Trung Quốc với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh để tranh thủ sự viện trợ của nước ngoài. Trên đường đi đến Túc Vinh, Quảng Tây ( ngày 29 - 8 - 1942), Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và bị chúng đầy ải qua gần 30 nhà giam của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, trong khoảng thời gian 13 tháng, đến ngày 10 tháng 9 năm 1943 mới được thả tự do, nhưng vẫn ở lại Liễu Châu hoạt động khoảng gần một năm trời nữa mới có điều kiện trở về nước. Trong thời gian bị cầm tù, Người đã sáng tác 134 bài thơ bằng chữ Hán được ghi trong một cuốn sổ tay mà Bác đặt tên là Ngục trung nhật ký ( tức Nhật ký trong tù)
:NKTT là một tập nhật ký bằng thơ chữ Hán độc đáo của chủ tịch HCM, sách dày 278 trang, khổ 13x19 cm. Bìa sách là hình ảnh vẽ đôi tay bị xiềng đã trở thành tác phẩm văn học nổi tiếng, là hiện vật lịch sử quý báu của đất nước Việt nam
Không chỉ có ý nghĩa văn chương sâu sắc, Nhật ký trong tù còn là tài sản vô giá trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam,có tác dụng trong việc giáo dục, học tập  và làm  theo tấm gương tư tưởng, đạo đức,phong cách  HCM.
Đặc biệt từ khi tác phẩm được dịch ra tiếng Việt, phát hành rộng rãi năm 1960, lan tỏa và thấm sâu vào đời sống xã hội Việt Nam. Tác phẩm đã được các tầng lớp nhân dân cả nước đón đọc, trở thành món ăn tinh thần của mỗi người dân đất Việt, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Tác phẩm không chỉ được phổ biến sâu rộng ở trong nước, mà còn được đánh giá cao và giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng:
Với những giá trị đặc sắc và độc đáo như trên, ngày 1/10/2012, NKTT được thủ tướng chính phủ nước CHXHCN Việt Nam chính thức công nhận là một trong những bảo vật quốc gia.
Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh chủ tịch HCM (19/5/1890- 19/5/2020),NXB Kim Đồng đã xuất bản với bản in đầy đủ, trọn vẹn cả chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ của 134 bài thơ trong NKTT.
 Tiếng thơ được ngân rung từ trái tim một con người vĩ đại trong một hoàn cảnh rất  đen tối. Hoàn cảnh đó là hoàn cảnh tù đày, giam hãm, xiềng xích, tra xét. Con người mất tự do, còn là sự lo âu về sống chết, mất còn. Thế mà Bác vẫn  ung dung làm thơ, làm được nhiều và làm được thơ hay. Không phải viết bằng tiếng Việt ( tiếng mẹ đẻ) mà viết bằng chữ Hán ( tiếng Trung Quốc), bằng các thể thơ mang màu sắc cổ điển Trung Quốc, thơ Đường Luật với thể thất ngôn tứ tuyệt, thể ngũ ngôn, hoặc bát cú . Đây là những thể thơ có yêu cầu niêm, luật, bố cục rất  chặt chẽ,ngôn ngữ sắc sảo, giàu sức  biểu đạt và phép đối đa dạng, cân xứng mẫu mực của NKTT đã đem đến cho người đọc một tình cảm vừa yêu mến vừa ngưỡng mộ. Ngoài ra Bác đã sử dụng một cách linh hoạt, sáng tạo bút pháp chấm phá, tả cảnh ngụ tình tài tình, điêu luyện đã góp phần thể hiện bức chân dung tinh thần tự họa của con người HCM
Bác là người mà "trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vào bất kỳ lúc nào... cũng kết hợp một cách tuyệt diệu nghị lực và lòng tin sắt đá của người cách mạng với phong cách ung dung thư thái của một triết nhân, ngay bài thơ mở đầu tập nhật ký  Hồ Chí Minh đã viết( chụp ảnh chiếu vào bài thơ đó )
 "Ngâm thơ ta vốn không ham,
/ Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây;/
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,
/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do"(2).
Thơ là tiếng nói của một tâm hồn con người. tiếng thơ NKTT là tiếng nói của HCM một bậc đại trí. trong hoàn cảnh lao tù, con người mất tự do, người luôn hướng về tự do,nghĩ về tự do Từ bài Đề từ ở đầu quyển không đánh số của Nhật ký trong tù, tư tưởng và "cương lĩnh phấn đấu" của người tù Hồ Chí Minh ngắn gọn, giản dị đến cô đọng được chứa đựng trong những vần thơ:
 "Thân thể ở trong lao,/
Tinh thần ở ngoài lao;/
Muốn nên sự nghiệp lớn,/
Tinh thần càng phải cao"
Sức sống của Nhật kí trong tù thể hiện ở nhiều mặt: Một bản cáo trạng đanh thép, một tấm lòng yêu nước thiết tha, một tinh thần quốc tế vô sản đứng đắn, một tinh thần lạc quan đến lạ lùng, một bút pháp tả cảnh, tả tình điêu luyện... Song, cái giá trị lớn nhất, cái đi vào lòng người mạnh mẽ nhất chính là tinh thần nhân đạo cao cả bao trùm toàn bộ tập thơ.
Tinh thần nhân đạo chính là tình thương yêu và kính trọng con người.
Ở trong tù, bản thân mình bị đày đọa, đau đớn, ghẻ lở, mất tự do nhưng Bác tự quên mình. Bác thương cháu bé trong nhà lao Tân Dương:
Oa...! Oa...! Oa...!
Cha trốn không đi lính nước nhà
Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi
Phải theo mẹ đến ở nhà pha.
Có chế độ nào tàn ác hơn thế. Một cháu bé mới vừa nửa tuổi cũng phải theo mẹ vào nhà tù. Tiếng khóc của cháu bé cất lên từ tù ngục, phải chăng cũng chính là tiếng khóc của Người!
Khóc cho người sống, khóc cho người chết, nhìn thấy nỗi thống khổ của người là tim Bác quặn đau:
Thân anh da bọc lấy xương
Khổ đau, đói rét hết phương sống rồi
Đêm qua còn ở bên tôi
Sáng nay, anh đã về nơi suối vàng.
Tiếng khóc báo hiệu cho cái chết. Biết bao người đã chết trong nhà lao vạn ác này. Và sự cảm thông với nỗi đau của con người lại được diễn tả tiếp trong thơ Bác:
Than ơi! chàng ơi, hỡi chàng ơi
Duyên cớ vì sao lại lánh đời
Nào biết tìm đâu cho thấy được
Bạn đời gắn bó một đời tôi.
(Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng)
Tiếng khóc chồng não ruột giữa đêm khuya đã làm tan nát một gia đình. Nỗi đau sâu thẳm về một kiếp người trong bài thơ… là thể hiện tấm lòng nhân đạo mênh mông của Bác.
  Thương người Trung Quốc bị đau đớn. Bác đã thể hiện một tinh thần nhân đạo mang tính quốc tế vô sản, là thể hiện lòng thương nước, thương nòi:
Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh,
Nội thương đất Việt cảnh lầm than
Trong tù mắc bệnh càng đau khổ
Đáng khóc mà ta cứ hát tràn.
Thật là có lí khi Tố Hữu viết:
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người.
Và điều quan trọng hơn hết chính là Nhật ký trong tù cũng đã thể hiện chất thép của người cộng sản Hồ Chí Minh.
Đó là nghị lực kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách, là phong thái ung dung, lạc quan hướng về tương lai.
“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp,
Mây gió trăng hoa tuyết núi sông,
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.”(có thể kèm phim HCM chân dung một con người )
 “Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăm nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.
Trong cuộc đời HCM chưa bao giờ người ta thấy Người lúng túng, bối rối trước những gian nguy thử thách.Vậy mà vào một đêm trăng sáng, người tù không có rượu,không có hoa để đón trăng nên người băn khoăn, biết làm thế nào bây giờ ?biết làm gì đây để đón trăng cho xứng với vẻ đẹp của trăng ?Đó là tâm trạng lúng túng, bối rối  trước vẻ đẹp của trăng. Để đáp lại vẻ đẹp của trăng, Bác đã tiến ra cửa sổ dâng trọn tấm lòng mình, trái tim mình cho trăng, lúc đó không còn người tù với trăng nữa mà chỉ còn lại nghệ sĩ, thi nhân và trăng mà thôi. Trăng xúc động trước tình người  nên trăng đã theo vào để cảm tạ tình người. Cánh cửa nhà tù đã bị vô hiệu hóa, nơi ấy trở thành nơi gặp gỡ của người và trăng, giữa nghệ sĩ và trăng. NKTT mang đầy chất thép là thế.
 NKTT đã để lại nhiều bài học cho thanh thiếu niên chúng ta về lập trường Cách mạng vững chắc, chí khí chiến đấu không ngừng, gian khổ không thể làm nản lòng, tù ngục không thể làm nao núng. NKTT là một đoạn trong lịch sử hơn 40 năm đấu tranh Cách Mạng của Bác Hồ. Qua đó,chúng ta học tập được chí khí phấn đấu, tinh thần kiên nhẫn, đạo đức cách mạng của Bác. NKTT dạy chúng ta luôn luôn phải bình tĩnh, gan dạ, phải lạc quan, kiên cường trước uy vũ không chùn, trước gian lao không sợ, luôn luôn vì Tổ quốc mà hi sinh.
Những hình ảnh trên là những thước phim cuối cùng khép lại cuốn sách NKTT. Mỗi trang sách  giống như một hạt mầm với cách sống mạnh mẽ, từng chùm rễ bám sâu vào lòng đất.
171a5bbbf1a106ff5fb0
 Ngày hôm nay chúng em vinh dự và tự hào được giới thiệu với toàn thể hội thi cuốn sách NKTT cũng là lời hứa từ trong trái tim
Quyết tâm học tập tốt
Rèn luyện tốt
Xứng đáng là thiếu nhi Thủ đô
Chủ nhân tương lai của Thăng Long, Hà Nội anh hùng 
 

Tác giả: LÊ HẢI VÂN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây